Hẳn một lần trong đời, bạn đã từng nghe đến cụm từ “ bệnh viêm da tiết bã”. Đây là một bệnh lí thường gặp ở da và khá gây khó chịu cho người bệnh vì mặc dù nó không ảnh hưởng quá nặng đến sức khoẻ của bạn, nhưng nó ảnh hưởng nặng nề đến vẻ ngoài của bạn đấy. Viêm da tiết bã là một trong những bệnh “không có cách trị dứt điểm”, chỉ có thể chung sống hoà bình với nó và cố gắng chăm sóc vùng da bị bệnh cẩn thận hết sức có thể để các triệu chứng được khỏi và tạm thời trả lại làn da bình thường cho bạn.
Thực ra, cách chăm sóc da bị viêm da tiết bã không quá khó như mọi người lầm tưởng. Vậy nên chúng ta cùng tìm hiểu các triệu chứng của bệnh, nguyên do gặp phải và cách để chăm sóc da nếu có lỡ bị bệnh này ghé thăm nhé.
Viêm da tiết bã là gì?
Được coi là một dạng mãn tính của bệnh chàm, bệnh viêm da tiết bã xuất hiện trên cơ thể tại nơi có rất nhiều tuyến sản xuất dầu (bã nhờn) như trên lưng, mũi và da đầu. Nguyên nhân chính xác của viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định tính cho đến hiện nay, và người ta cho rằng gen di truyền và hormone đóng vai trò chính yếu gây bệnh. Nếu trong gia đình các bạn đã có người từng bị bệnh viêm da tiết bã, thì xác suất mắc bệnh của bạn rất cao. Ngoài ra, các vi sinh vật sống trên da cũng có thể là một trong những nguyên nhân góp phần gây viêm da tiết bã.
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm da tiết bã, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nó thường ảnh hưởng nhất đến người lớn trong độ tuổi từ 30-60 và trẻ sơ sinh dưới 3 tháng.
Các tác nhân phổ biến gây viêm da tiết bã bao gồm:
- Stress
- Thay đổi nội tiết tố hoặc đề kháng cơ thể yếu
- Khi da tiếp xúc với các chất tẩy mạnh, dung môi, hóa chất và xà phòng
- Thời tiết khô, lạnh
- Các loại thuốc như psoralen, interferon và lithium
Nhìn chung, viêm da tiết bã phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Bệnh nhân mắc một số bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch (như HIV/AIDS và bệnh vẩy nến) và hệ thần kinh, như bệnh Parkinson, cũng có nguy cơ bị viêm da tiết bã. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến những người bị động kinh, nghiện rượu, mụn trứng cá, bệnh hồng ban và các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và rối loạn ăn uống.
Viêm da tiết bã ở ngực cho thấy các vùng tròn, đỏ và vảy nhẹ
Dấu hiệu của bệnh Viêm da tiết bã
Các triệu chứng phổ biến của viêm da tiết bã bao gồm:
- Da bị tổn thương
- Da nhờn, sưng
- Xuất hiện vùng da bị đóng vảy trên diện tích lớn
- Xuất hiện vảy da màu trắng hoặc hơi vàng và dễ bong tróc
- Ngứa và rát
- Rụng tóc
Viêm da tiết bã xuất hiện ở những vùng da nhờn như bên mũi gây tình trạng da đỏ và vảy vàng
Cách chăm sóc da bị viêm da tiết bã
Thực ra, viêm da tiết bã không có thuốc đặc trị mà chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách tập trung vào việc làm dịu da, làm sạch và dưỡng ẩm thật kĩ đối với những vùng da đang chịu thương tổn.
Trong trường hợp nhẹ, loại kem trị nấm da hoặc dầu gội trị gàu (có chứa các thành phần như ketoconazole, selenium sulfide, nhựa than đá và kẽm pyrithione) có thể đủ “đô” để kiểm soát các triệu chứng.
Đối với từng vùng da, việc điều trị cũng có chút khác nhau:
- Đối với da đầu: Sử dụng xen kẽ giữa dầu gội thông thường của bạn và dầu gội trị gàu. Đối với những trường hợp bị viêm nặng trên da đầu khiến vảy cứng và gây khó chịu khi gội đầu, hãy dùng các loại tinh dầu đặc biệt dành cho da đầu nhỏ vào các vùng da bị bệnh, giúp làm mềm các vảy và dễ chịu hơn khi gội đầu.
- Đối với da mặt và da cơ thể: Rửa hàng ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ có độ pH cân bằng (độ pH= 5) để giảm bớt triệu chứng bị khô của da khi tiếp xúc với các sản phẩm có tính tẩy rửa quá mạnh, sau đó tiến hành quy trình dưỡng ẩm với các sản phẩm dưỡng ẩm lành tính. Đối với các vùng da bị bong vảy, việc sử dụng thêm các sản phẩm có chứa axit salicylic và lưu huỳnh sẽ giúp giảm viêm sưng và làm mềm các vảy da chết, giúp các vảy da bong ra từ từ nhưng vẫn làm da đủ ẩm mịn.
Trong các trường hợp bệnh viêm da tiết bã bị viêm nghiêm trọng hơn, bạn có thể nhận được đơn thuốc có chứa thành phần corticosteroid nhẹ để làm dịu chứng viêm. Lưu ý là chỉ sử dụng corticosteroid tại chỗ theo chỉ dẫn khi viêm da tiết bã đang tích cực bùng phát nhé.
Khi bệnh mới bùng phát, bạn cần đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín để bác sĩ tiến hành các bước kiểm tra và xác định mức độ cũng như loại bệnh của bạn (vì viêm da tiết bã thường xuất hiện cùng lúc với nấm da hoặc bệnh vảy nến). Trường hợp da bị viêm nặng và không thể điều trị chỉ bởi phương pháp thoa ngoài da, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống và thoa để điều trị da khỏi các triệu chứng bị bùng phát.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng việc bệnh tái phát là hoàn toàn có thể xảy ra, vậy nên việc duy trì làm sạch triệt để và dưỡng ẩm cho da sau khi khỏi bệnh là rất quan trọng giữ bệnh trong tầm kiểm soát. Bạn có thể bổ sung thêm các vitamin nhóm B như vitamin B3, B6, vitamin E để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và từ đó da trở nên khỏe hơn.
Nguồn Happy Skin